Chắc hẳn chị em phụ nữ không hề lạ lẫm với tiêm “Filler” – Được mệnh danh là phương pháp làm đẹp “thần kì” không cần sử dụng đến dao kéo. Quy trình tiêm filler chỉ mất ít hơn 30 phút nhưng tác dụng của nó có thể kéo dài hơn 4 tháng, thậm chí là hơn 1 năm. Trong khi tiêm Botox có cơ chế làm giãn cơ, xóa nếp nhăn, thì tiêm filler có cơ chế lấp đầy các đường rãnh, lỗ trên bề mặt da bằng nhiều loại chất khác nhau. Nhưng liệu chúng ta đã biết hết những thông tin về filler, các loại filler phù hợp với từng vị trí trên cơ thể và những rủi ro của chúng?
Filler là gì?
Filler là chất làm đầy da hay còn được được gọi là chất cấy ghép có thể tiêm vào cơ thể, chất làm đầy mô mềm hay chất làm đầy nếp nhăn. Viêc tiêm filler vào trong cơ thể đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận với các mục đích: tạo sự căng mịn và mềm mượt cho khuôn mặt, bao gồm rãnh mũi má, má, môi và dùng để làm đầy mu bàn tay.(1)

2. Có những loại filler nào và tác dụng của chúng là gì?
Gần như tất cả loại filler đều có tác dụng tạm thời, sau một thời gian chúng sẽ tự tiêu. Một số loại chất filler còn có thành phần lidocaine, chúng có thể giúp giảm đau và gây tê trong quá trình tiêm. Sau đây sẽ là một số loại chất fillerđược FDA chấp thuận(3):
Filler có tác dụng tạm thời:
Collagen: Collagen là một loại protein và là thành phần chính cấu tạo nên da và một số mô khác của cơ thể. Collagen sử dụng làm filler có nguồn gốc từ bò hoặc tế bào người. Tác dụng của collagen trung bình kéo dài từ 3-4 tháng. Đây là loại filler có tác dụng ngắn nhất.
Hyaluronic acid: Hyaluronic acid là một loại đường (polysaccharide) có mặt trong các mô của cơ thể, như da và sụn. Khi ở dạng gel, Hyaluronic acid kết hợp với nước, trương phồng lên, gây nên tác dụng làm căng và làm đầy của loại filler này. Nguồn gốc của hyaluronic acid làm filler có thể từ vi khuẩn hoặc gà trống. Trong một số trường hợp, hyaluronic acid có thể biến đổi về mặt hóa học khi được tiêm vào cơ thể (liên kết chéo) làm chúng có tác dụng kéo dài hơn. Tác dụng của loại filler này trung bình kéo dài từ 6-12 tháng.
Calcium hydroxylapatite: đây là một loại khoáng chất có thể được tìm thấy trong răng và xương người. Khi được sử dụng làm đầy nếp nhăn trên mặt hoặc bàn tay, hỗn dịch gel chứa các hạt calcium hydroxylapatite được tiêm vào nếp nhăn ở mặt hoặc mu bàn tay. Tác dụng của loại filler này có thể kéo dài 18 tháng. Khi ở trong cơ thể, calcium hydroxylapatite có thể thấy trên film x- quang và có thể che khuất những điểm nổi bật nằm phía dưới nó.
Poly-L-lactic acid (PLLA): PLLA là một polyme nhân tạo, có khả năng phân hủy sinh học. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các mũi khâu tự tiêu và đinh vít xương tự tiêu. PLLA là loại filler có tác dụng dài hạn, được tiêm nhiều lần trong nhiều tháng. Có thể thấy được tác dụng của PLLA tăng lên theo thời gian (sau khoảng vài tuần) và kéo dài lên đến 2 năm.
Filler có tác dụng vĩnh viễn (không tự tiêu)
Hạt Polymethylmethacrylate (PMMA): là một loại polymer nhân tạo, không bị phân hủy sinh học. Loại chất liệu này được sử dụng trong nhiều thiết bị y tế như xi măng dành cho xương, kính đặt nội nhãn. Hạt PMMA rất nhỏ, tròn và trơn, không bị hấp thu bởi cơ thể. Khi sử dụng làm chất filler, PMMA được hòa tan trong một loại gel chứa collagen bò và sử dụng tiêm vào mặt.
3. Sử dụng filler như thế nào là đúng cách?
Để sử dụng filler một cách hiệu quả và giảm thiểu những rủi ro, FDA đã thông qua một số quy tắc đối với việc sử dụng filler. Bạn nên nhớ rằng, filler không phù hợp với tất cả mọi người và mọi vị trí trên cơ thể.
Sau đây là một số quy tắc cho mục đích của việc sử dụng filler mà bạn nên biết(1):
Có thể sử dụng chất filler tự tiêu (chất filler tạm thời) cho việc xóa các nếp nhăn sâu hoặc nếp gấp trên khuôn mặt như rãnh mũi má (nếp gấp ở 2 bên miệng kéo dài đến mũi thường được nhắc đến như là rãnh marionnet)
Chỉ được sử dụng chất filler không tự tiêu cho rãnh mũi má và vết sẹo trên má do mụn trứng cá ở người trên 21 tuổi.
Một số chất filler đã được chấp thuận dùng để cải thiện dấu hiệu mất mỡ trên mặt ở những người suy giảm miễn dịch (HIV).
Có thể sử dụng chất filler tạm thời cho người trên 21 tuổi với mục đích làm đầy môi, má, xóa nếp nhăn và sẹo mụn.Có thể sử dụng để làm đầy mu bàn tay.
Bạn có thể cần nhiều lần tiêm để đạt được kết quả mong đợi. Kết quả thành công hay không còn phụ thuộc vào sức khỏe của làn da bạn, kỹ thuật của bác sĩ, lượng và loại filler mà bạn sử dụng. Thời gian tác dụng của filler phụ thuộc vào loại chất mà bạn tiêm và vị trí tiêm.
Ngoài ra, FDA cũng khuyến cáo một số mục đích sử dụng filler chưa được chấp thuận như:
Làm tăng kích thước vú
Làm tăng kích thước mông
Làm bàn chân thêm đầy đặn
Cấy ghép vào xương, gân, dây chằng hoặc cơ.
Ngoài ra, việc tiêm silicone lỏng để định hình cơ thể trên diện rộng hoặc làm đẹp không được khuyến khích, việc này có thể dẫn đến những cơn đau kéo dài, nhiễm trùng, tổn thương nặng như sẹo và biến dạng vĩnh viễn, thuyên tắc mạch máu, đột quỵ và tử vong.

4. Sử dụng filler có những rủi ro nào?

Cũng như bất cứ kỹ thuật y khoa nào, luôn có những rủi ro kèm theo trong quá trình tiêm cũng như sử dụng filler. Vì vậy việc hiểu biết những hạn chế và nguy cơ có thể xảy ra là rất quan trọng.
Bất cứ loại filler nào cũng có thể gây tác dụng phụ ngắn, dài hoặc tạm thời.
Tuy nhiên đa số tác dụng phụ do filler xảy ra trong một thời gian ngắn sau tiêm, và phần lớn mất đi sau 2 tuần. Sưng và đau sau khi tiêm filler ở bàn tay có thể kéo dài một tháng hoặc hơn. Bạn nên thử cơ thể có dị ứng với chất filler hay không trước khi quyết định sử dụng chúng, đặc biệt là những loại filler có nguồn gốc từ động vật (từ bò hoặc gà trống).
Sau đây là một số tác dụng phụ bạn có thể gặp khi sử dụng filler(1):
Tác dụng phụ thường gặp:
Bầm tím
ĐỏSưng
Đau, nhức
Ngứa, phát ban
Khó khăn trong việc cử động (trong trường hợp tiêm vào mu bàn tay)
Tác dụng phụ ít gặp:
Nổi những bướu nhỏ trong hoặc dưới da (nốt sần hay u hạt), bạn cần phải can thiệp phẫu thuật để lấy chúng ra
Nhiễm trùng
Đau tại vị trí tiêm
Phản ứng dị ứng
Hoại tử
Tác dụng phụ hiếm gặp:
Dị ứng nặng nề (sốc phản vệ), cần được cấp cứu ngay lập tức
Filler di chuyển từ vị trí tiêm sang vị trí khác
Rò rỉ dịch filler chảy ra ngoài thông qua vết tiêm hoặc qua da (hậu quả của phản ứng mô hay nhiễm trùng)
Tạo những nốt cứng vĩnh viễn trên mặt hoặc tay
Thị lực bất thường, có thể dẫn đến mù lòa
Đột quỵ
Tổn thương các mạch máu
Hoại tử da hoặc môi
Bạn nên lưu ý, khi sử dụng chất filler có thành phần là acid hyaluronic, trong quá trình tiêm filler, nếu tiêm quá nhiều hoặc tiêm sai vị trí thì chúng ta có thể sử dụng hyaluronidase ngay lúc đó để chỉnh sửa cũng như làm tiêu bớt filler.(4)
Khi bạn muốn làm tiêu đi hoặc giảm bớt lượng filler có tác dụng vĩnh viễn thông qua phẫu thuật thì bạn cũng có khả năng gặp phải những tác dụng không mong muốn do phẫu thuật. Bạn nên cân nhắc vì chất filler rất khó lấy ra khỏi cơ thể.(1)
5. Cần phải làm gì để giảm thiểu những rủi ro này?

Tiêm filler xoá bỏ các nếp nhăn là một quy trình y khoa, vì thế chúng nên được thực hiện bởi những cơ sở y tế đã được cấp phép, được đào tạo và có kinh nghiệm.
Để có được quá trình tiêm và sử dụng filler an toàn, sau đây là một số việc bạn nên chú ý(2):
Không đặt giá tiền làm tiêu chuẩn cho sự lựa chọn của bạn. Nếu bạn được giới thiệu liệu trình tiêm filler xóa nếp nhăn với giá tiền rẻ hơn rất nhiều so với những cơ sở khác, hãy tìm hiểu cẩn thận, có thể những quy trình thực hiện, cũng như kinh nghiệm của cơ sở đó không đạt tiêu chuẩn.
Tiêm filler cần được thực hiện ở những cơ sở y tế, không thực hiện tiêm filler tại nhà, khách sạn, spa, resort ,..
Không tiêm filler có nguồn gốc không rõ ràng. Nếu vẫn còn đang băn khoăn, bạn có thể tham khảo danh sách những loại filler mà FDA đã cho phép sử dụng tại đây: <https://www.fda.gov/medicaldevices/productsandmedicalprocedures/cosmeticdevices/wrinklefillers/default.htm >
Sử dụng kem chống nắng hằng ngày để bảo vệ filler và giúp bảo vệ bạn khỏi những mảng sắc tố sau viêm do kim tiêm.
6. Kết luận:
Sử dụng filler xóa nếp nhăn là một trong những lựa chọn thẩm mỹ an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn nắm rõ tác dụng phụ cũng như loại filler mình đang sử dụng. Chị em phụ nữ nên chọn những cơ sở uy tín đã được cấp phép khi quyết định làm đẹp cho bản thân nhé!

Lê Thái Thanh Khuê – Sinh viên Y3- Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Tài liệu tham khảo:
1.The U.S. Food and Drug Administration (2018), Dermal Fillers (Soft Tissue Fillers)
2. WebMD Medical Reference, Reviewed by Stephanie S. Gardner, MD (2017), What You Should Know About Wrinkle Fillers
3. The U.S Food and Drug Administration (2018), Dermal Fillers Approved by the Center for Devices and Radiological Health
4. Joo Hyun Kim, Duk Kyun Ahn, Hii Sun Jeong, and In Suck Suh(2014),Treatment Algorithm of Complications after Filler Injection: Based on Wound Healing Process, The National Center for Biotechnology Information,
<https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4248003/>, (truy cập 9/7/2018)