top of page
Search

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ


Đái tháo đường thai kỳ là loại đái tháo đường (ĐTĐ) xảy ra ở một số phụ nữ khi mang thai mặc dù trước đây họ chưa bị ĐTĐ bao giờ. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu được tiến hành tại bệnh viện phụ sản Hùng Vương trong năm 2011, tỉ lệ thai phụ mắc ĐTĐ thai kỳ lên đến 20,4% dựa trên tiêu chuẩn đánh giá của Hiệp hội các nhóm nghiên cứu ĐTĐ và thai sản quốc tế – IADPSG [6].


Nguyên nhân gây bệnh


ĐTĐ thai kỳ xảy ra khi cơ thể không tạo đủ insulin trong quá trình mang thai. Insulin là loại hormone tạo ra bởi tuyến tụy có vai trò chính trong việc chuyển đường từ máu vào tế bào để sử dụng.


Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ tạo ra nhiều hormone cùng với những thay đổi khác chẳng hạn tăng cân. Những thay đổi này làm cho việc sử dụng insulin của các tế bào kém hiệu quả hơn (hay còn gọi là tình trạng kháng insulin), gây tăng nhu cầu insulin của cơ thể.


Tất cả phụ nữ khi mang thai đều có chút ít đề kháng insulin vào những tháng cuối thai kỳ.


Tuy nhiên một số phụ nữ có đề kháng insulin trước cả khi có thai. Những người này khi mang thai thì nhu cầu insulin tăng lên và nhiều khả năng sẽ dẫn đến ĐTĐ thai kỳ.[1]


Triệu chứng và nguy cơ mắc bệnh


ĐTĐ thai kỳ thông thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Khi đi khám thai, dựa trên tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ của thai phụ, bác sĩ có thể dự đoán khả năng mắc ĐTĐ thai kỳ, tuy nhiên để biết chắc chắn thì cần phải làm xét nghiệm.


Các yếu tố nguy cơ bao gồm:


– Bị ĐTĐ thai kỳ trong lần mang thai trước

– Đã từng sinh em bé nặng hơn hơn 4kg

– Thừa cân

– Trên 25 tuổi

– Tiền sử gia đình có tiểu đường tuýp 2

– Buồng trứng đa nang[1][2]


Mức độ nguy hiểm của ĐTĐ thai kỳ


Nếu thai phụ bị ĐTĐ thai kỳ mà không kiểm soát tốt đường huyết có thể dẫn đến những vấn đề sau:


Em bé quá to: ĐTĐ không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nồng độ đường trong máu bào thai quá cao làm cho em bé phát triển to vượt mức bình thường, gây khó chịu cho mẹ ở những tháng cuối thai kỳ. Người mẹ có thể sẽ phải sinh mổ. Em bé sinh ra có thể sẽ bị thương tổn dây thần kinh do bị chèn ép lên vai trong quá trình sinh.


Tăng huyết áp (tiền sản giật): thai phụ bị huyết áp cao, có đạm trong nước tiểu và thường bị sưng phù ngón tay ngón chân mà không khỏi, có thể bị tiền sản giật. Đây là tình trạng nguy hiểm cần phải được theo dõi chặt chẽ. Huyết áp cao gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Em bé có thể sẽ bị sinh sớm và người mẹ có thể bị co giật hoặc đột quỵ khi sinh nở. Phụ nữ bị ĐTĐ thường bị huyết áp cao hơn phụ nữ bình thường.


Hạ đường huyết: người sử dụng insulin hoặc các loại thuốc tiểu đường khác có thể bị hạ đường huyết. Điều này có thể rất nguy hiểm, thậm chí gây chết người nếu không được chữa kịp thời. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể được ngăn ngừa nếu thai phụ theo dõi đường huyết chặt chẽ và trị đường huyết thấp ngay lập tức. Các triệu chứng khi hạ đường huyết có thể là đau đầu, run rẩy, choáng váng, tim đập nhanh,… Nếu bị thì phải kiểm tra đường huyết ngay, nếu thấp thì ăn uống các loại thực phẩm chứa đường như kẹo, nước hoa quả, sữa, nước ngọt (không dùng loại nước ngọt dạng không đường cho người ăn kiêng). Kiểm tra lại đường huyết trong 15 phút. Nếu vẫn không tiến triển thì tiếp tục ăn uống các loại thực phẩm chứa đường nhanh. Khi cảm thấy khá hơn thì nên ăn nhẹ thức ăn chứa nhiều đạm.

Nếu thai phụ không kiểm soát tốt ĐTĐ thai kỳ thì em bé có thể nhanh chóng bị hạ đường huyết sau khi sinh. Em bé cần được theo dõi đường huyết trong vài giờ sau khi sinh. Ngoài ra, em bé của người mẹ có ĐTĐ thai kỳ có nguy cơ cao phát triển ĐTĐ tuýp 2 sau này.

ĐTĐ thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên khoảng 50% phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ sẽ tiếp tục tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2. Có thể làm giảm nguy cơ này bằng cách duy trì cân nặng khỏe mạnh sau khi sinh. Cần xét nghiệm đường máu trong khoảng 6-12 tuần sau khi sinh và mỗi 1-3 năm để chắc chắn nồng độ đường nằm trong chuẩn cho phép.[1][4][5]


Xét nghiệm


Việc xét nghiệm ĐTĐ thai kỳ rất quan trọng, giúp phát hiện và điều trị bệnh để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi.


ĐTĐ thai kỳ thường phát triển vào khoảng tuần 24 của thai kỳ, do đó thai phụ cần được xét nghiệm vào khoảng thời gian giữa tuần 24 và tuần 28. Đối với những thai phụ có nguy cơ cao bị ĐTĐ thai kỳ thì bác sĩ sẽ cho xét nghiệm sớm hơn. Tuy nhiên nếu nồng độ đường huyết cao hơn bình thường ở giai đoạn sớm của thai kỳ thì có thể thai phụ bị ĐTĐ tuýp 1 hoặc 2 thay vì ĐTĐ thai kỳ.


Phương pháp xét nghiệm trải qua các bước như sau:


– Xét nghiệm sàng lọc nồng độ đường huyết: thai phụ sẽ uống nước đường, sau 1 giờ sẽ được lấy máu kiểm tra. Nếu nồng độ đường bằng hoặc dưới 140 mg/dL là bình thường. Trên 140 mg/dL thì cần phải làm xét nghiệm dung nạp đường.


– Xét nghiệm dung nạp đường: kiểm tra nồng độ đường trước và sau khi uống nước đường. Thai phụ sẽ nhịn ăn qua đêm và được thử máu để kiểm tra nồng độ đường khi đói. Sau đó sẽ được uống nước đường và kiểm tra lại nồng độ đường sau 1,2 hoặc có thể 3 tiếng. Kết quả tùy thuộc vào lượng nước đường được cho uống và tần suất thử đường máu. Bác sĩ sẽ phân tích và giải thích kết quả xét nghiệm cho bạn. [3]


Ngăn ngừa ĐTĐ thai kỳ


Bạn có thể ngăn ngừa ĐTĐ thai kỳ trước khi mang thai bằng cách giảm cân nếu đang bị thừa cân, kết hợp với vận động thường xuyên.


Nếu đã mang thai thì không nên giảm cân. Thai phụ cần phải tăng cân một ít nhưng không quá nhanh để đảm bảo thai nhi khỏe mạnh. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết nên tăng bao nhiêu cân để có một thai kỳ khỏe mạnh.[1]


Điều trị


Thai phụ có thể làm nhiều thứ để kiểm soát tình trạng ĐTĐ thai kỳ. Đi khám thai định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị, bao gồm:


– Kiểm tra đường huyết để đảm bảo nồng độ đường trong ngưỡng cho phép


– Ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe với lượng vừa đủ vào thời điểm hợp lý. Tuân thủ chế độ ăn được bác sĩ đề ra.


– Vận động thường xuyên. Thường xuyên tập luyện những môn thể dục có cường độ vừa phải (như đi bộ nhanh) giúp giảm đường máu và tăng độ nhạy cảm với insulin, nhờ đó cơ thể không cần quá nhiều insulin. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết loại thể thao phù hợp và loại nào nên tránh.


– Theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Thông thường ĐTĐ thai kỳ có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống và luyện tập điều độ. Nếu nồng độ đường trong máu vẫn chưa được kiểm soát thì bác sĩ có thể kê insulin, metformin hoặc một số loại thuốc khác.[1][5]



 

DS. Lê Võ Hoàng Yến


Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi


Infographic: Mai Thị Duyên –  Anh ngữ Popodoo Lai Châu


Tài liệu tham khảo

  1. Gestational diabetes, CDC, 25 July 2017, https://www.cdc.gov/diabetes/basics/gestational.html

  2. Who’s at risk, CDC, 25 July 2017, https://www.cdc.gov/diabetes/basics/risk-factors.html

  3. Getting tested, CDC, 04 August 2017 https://www.cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html

  4. Diabetes and pregnancy:Gestational diabetes, CDC, https://www.cdc.gov/pregnancy/documents/Diabetes_and_Pregnancy508.pdf

  5. Gestational diabetes and pregnancy, CDC, 1 June 2018, https://www.cdc.gov/pregnancy/diabetes-gestational.html

  6. Early prediction of gestational diabetes mellitus in Vietnam – Clinical impact of currently recommended diagnostic criteria,  Thach Tran, Diabetes Care 2013 Mar; 36(3): 618-624, http://care.diabetesjournals.org/content/36/3/618

30 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page