top of page
Search

CHOLESTEROL CÓ THẬT SỰ CÓ HẠI HAY KHÔNG?


Cholesterol là gì?


Cholesterol là một chất sáp, không có mùi, được tạo bởi gan, là thành phần cấu tạo quan trọng, không thể thiếu của màng tế bào và các dây thần kinh.

Cholesterol đóng vai trò quan trọng trong các chức năng của cơ thể như tiêu hóa và sản xuất các hormone. Bên cạnh nguồn cholesterol do cơ thể sản xuất, cholesterol còn được cung cấp từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật ăn mà chúng ta ăn vào[1].

Có 2 loại cholesterol được tìm thấy trong máu : HDL và LDL.[2]


Những thực phẩm chứa nhiều cholesterol
Những thực phẩm chứa nhiều cholesterol

HDL Cholesterol là gì ?


HDL là loại cholesterol tốt. Nó hoạt động như một “người dọn dẹp”, thu nhặt lượng cholesterol thừa và mang về gan. Khi bác sĩ kiểm tra mức cholesterol trong máu của bạn thì kết quả mong muốn là HDL ở mức cao. Mức HDL cao hơn hoặc bằng 60 giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.[2]


LDL Cholesterol là gì ?


Đây là loại cholesterol xấu. Mặc dù cơ thể cần một lượng nhỏ LDL cholesterol để cấu tạo tế bào, nhưng quá nhiều LDL cholesterol có thể tích lũy dần trên thành mạch máu qua thời gian, và cuối cùng làm tắc nghẽn mạch máu dẫn đến các bệnh tim mạch. Khi bác sĩ kiểm tra mức cholesterol trong máu thì mức LDL cholesterol càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.[2]


Cách kiểm tra mức Cholesterol và ý nghĩa của mức Cholesterol


Nếu bạn trên 20 tuổi, bạn nên đo mức cholesterol ít nhất 1 lần trong vòng 5 năm. Chỉ cần thực hiện một xét nghiệm máu đơn giản gọi là bộ xét nghiệm lipid máu. Bộ xét nghiệm này bao gồm :


  • Mức Cholesterol  toàn phần

  • Mức HDL cholesterol

  • Mức LDL cholesterol

  • Mức Triglycerides


Các kết quả xét nghiệm không chỉ giúp xác định nguy cơ của bệnh tim mạch mà còn giúp đề ra các biện pháp tối ưu nhất để làm hạ mức Cholesterol xuống.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tầm soát các nhân tố về tuổi, huyết áp, tiền sử hút thuốc lá, và sử dụng các loại thuốc huyết áp của bạn.

Tất cả những điều này cộng với việc có mắc bệnh về tim mạch hay không sẽ giúp đưa ra một bức tranh về nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch trong vòng 10 năm tới.

Từ đó bạn và bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Chiến lược này có thể liên quan tới việc làm giảm mức cholesterol thông qua chế độ ăn và có thể sử dụng thuốc.

Mục tiêu là làm giảm mức LDL và làm tăng mức HDL để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh tim mạch. [3]


Các yếu tố ảnh hưởng tới mức Cholesterol


  • Chế độ ăn : Hạn chế lượng chất béo bão hòa, chất béo loại trans và cholesterol trong bữa ăn giúp làm giảm mức cholesterol trong máu. Ăn quá nhiều đường cũng làm tăng mức cholesterol máu.

  • Cân nặng : Thừa cân cũng chính là một nhân tố nguy cơ của các bệnh tim mạch. Và nó cũng làm tăng mức cholesterol. Giảm cân giúp làm giảm mức LDL cholesterol, cholesterol toàn phần và triglycerides. Đồng thời, giúp làm tăng mức HDL cholesterol.

  • Tập thể dục : tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm mức LDL cholesterol và làm tăng mức HDL cholesterol. Nên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày.

  • Tuổi và giới : càng về già thì mức cholesterol càng tăng. Trước thời kì mãn kinh, phụ nữ thường có mức Cholesterol toàn phần thấp hơn nam giới, nhưng sau thời kì mãn kinh thì phụ nữ lại có mức LDL cholesterol cao hơn.

  • Di truyền : Gen cũng phần nào xác định mức tạo thành cholesterol trong cơ thể. Một số gia đình có tính di truyền về mức cholesterol máu cao.

  • Tình trạng bệnh lý : một số bệnh lý có thể gây tăng cao mức cholesterol, ví dụ như : suy giáp, bệnh gan, bệnh thận.

  • Các loại thuốc : một số thuốc như steroids và progestins có thể làm tăng mức cholesterol xấu (LDL-cholesterol) và làm giảm mức cholesterol tốt (HDL-cholesterol).[3]

  • Cholesterol toàn phần: Cholesterol máu toàn phần bao gồm LDL cholesterol, HDL cholesterol và các thành phần chất béo khác. Bác sĩ sẽ dùng chỉ số  cholesterol toàn phần để xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cách kiểm soát nó.[5]

  • Triglycerides: Triglycerides là dạng thường gặp nhất của chất béo có trong thực phẩm và cơ thể. Mức triglyceride cao liên quan với nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.[5]


Các bước giúp làm giảm mức Cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch


Gồm có 5 bước đơn giản sau đây :


  1. Xin lời khuyên từ các chuyên gia : bác sĩ của bạn sẽ giúp thành lập một kế hoạch ăn uống và luyện tập khỏe mạnh

  2. Thay đổi chế độ ăn uống : nên ăn các loại thực phẩm như bột yến mạch, quả óc chó, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, đậu phụ. Tránh xa các loại thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa (trans fat), chất béo bão hòa và đường đơn.

  3. Không hút thuốc lá : hút thuốc lá làm giảm mức cholesterol tốt (HDL-cholesterol). Bỏ thuốc lá thì mức cholesterol tốt sẽ tăng trở lại và ngoài ra còn đem lại nhiều lợi ích khác cho cơ thể.

  4. Vận động : tập luyện thể dục vừa phải, khoảng 30 phút đi bộ một ngày, giúp kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và tăng huyết áp. Tập thể dục còn giúp làm giảm lượng triglycerides và làm tăng mức cholesterol tốt. Cả hai đều có lợi cho cơ thể.

  5. Sử dụng thuốc : bác sĩ có thể kê cho bạn vài loại thuốc giúp làm giảm mức cholesterol. Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu có thắc mắc hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.[4]



 

Lê Nhả Duyên – Y2H ĐH Y dược Huế


Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi


Infographic: Mai Thị Duyên –  Anh ngữ Popodoo Lai Châu


Tài liệu tham khảo :

1.What is cholesterol ? , January 20, 2017

https://www.webmd.com/diabetes/qa/what-is-cholesterol

( truy cập ngày 17/02/2019 )

2.Glossary of Terms: Cholesterol, Heart Disease, and High Blood Pressure, October 28, 2016

https://www.webmd.com/cholesterol-management/cholesterol-heart-disease-hypertension-terms#1

( truy cập 17/02/2019 )

3.Lower Cholesterol to Reduce Heart Disease Risk, July 6, 2018

https://www.webmd.com/cholesterol-management/guide/lower-cholesterol-risk#2

( truy cập 17/02/2019)

4.Tips to Keep Your Cholesterol in Check, April 17, 2017

https://www.webmd.com/cholesterol-management/guide/cholesterol-basics

( truy cập 17/02/2019 )

5.Understanding Cholesterol Numbers, July 6, 2018, https://www.webmd.com/cholesterol-management/guide/understanding-numbers#2

( truy cập 17/02/2019 )

44 views0 comments
bottom of page