Ăn dặm là gì?[1]
Ăn dặm là quá trình tập cho bé chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ (hay sữa công thức) sang thức ăn thô cứng hơn sữa. Đây là một bước ngoặc lớn của bé giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để bé có thể phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.
Vì sao phải ăn dặm? [2]
Trẻ 6 tháng tuổi nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày khoảng 700kcal nhưng lượng sữa trẻ bú hoàn toàn chỉ cung cấp được khoảng 450kcal/ngày. Vì vậy trẻ cần 1 nguồn thức ăn khác bổ sung vào chế độ để đáp ứng nhu cầu cần thiết.
Ăn dặm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác mà trong thành phần sữa không có hoặc không đủ nhằm phòng ngừa các bệnh suy dinh dưỡng, còi xương và thiếu máu.
Trẻ cần phải có giai đoạn làm quen dần với thức ăn đặc dần để thực hiện việc thay thế hoàn toàn sữa bằng thức ăn thô vào tháng thứ 24.
Khi nào bắt đầu cho bé ăn dặm?
Theo Khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tuổi thích hợp nhất để bắt đầu cho trẻ ăn dặm là khoảng 6 tháng tuổi. Từ lúc sinh cho đến 6 tháng cho trẻ bú sữa mẹ (hoặc sữa công thức) hoàn toàn. Lý do là vì ở độ tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ mới phát triển hoàn chỉnh và sẵn sàng cho việc dung nạp, hấp thu các chất từ nguồn thức ăn khác sữa. Ngoài ra không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm vì sự hoạt động của các cơ hàm, lưỡi, hầu họng chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn sẽ dễ khiến trẻ sặc gây nguy hiểm khi ăn. [3]
Ngoài ra có thể dựa vào các dấu hiệu sau cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm:[1]
– Trẻ mau đói đòi bú sữa thường xuyên hơn.
– Cân nặng trẻ tăng gấp đôi so với lúc sanh.
– Trẻ biết giữ đầu thẳng vững vàng và có thể tự ngồi.
– Trẻ thể hiện sự thích thú với thức ăn.
– Trẻ há miệng đòi ăn khi thấy người khác đang ăn.
– Trẻ biết đưa miệng về trước và há miệng khi được cho thức ăn; không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ của lưỡi.
Làm thế nào để cho bé ăn dặm đúng cách và khoa học?[4]
– Từ ít tới nhiều: nên cho trẻ bắt đầu ăn 1 lượng ít khoảng 1/2 thìa cafe thức ăn, 1-2 lần/ngày rồi sau đó từ từ tăng dần lượng thức ăn và số lần mỗi ngày . Tránh cho trẻ ăn quá nhiều khi mới bắt đầu kể cả trẻ có đòi ăn thêm để trẻ quen dần với thức ăn lạ. Ngoài ra cho trẻ ăn số lượng ít lúc đầu làm quen để tránh trường hợp trẻ bị dị ứng với thức ăn lạ.
– Từ loãng tới đặc: bắt đầu bằng thức ăn bột mịn chuyển sang cháo xay nhuyễn đến cháo loãng rồi từ từ đặc dần tới khoảng 2 tuổi hoặc khi trẻ có đủ 20 răng thì trẻ có thể ăn được cơm như người lớn.

– Từ ngọt tới mặn: trẻ cần làm quen với thức ăn thô có vị gần giống sữa nhất là vị ngọt. Vì vậy nên cho trẻ ăn thức ăn chế biến từ bột gạo, rau củ vị ngọt tự nhiên rồi dần dần mưới sang thực phẩm mặn như thịt, cá…
– Đảm bảo 4 nhóm chất cơ bản: tinh bột (gạo tẻ, ngô…), đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo không bão hòa (bơ, dầu olive…), chất xơ vitamin và khoáng chất (rau củ).

Những lưu ý khi trẻ ăn dặm [5]
– Vẫn duy trì thức ăn chính là sữa mẹ (hay sữa công thức) ở giai đoạn đầu và từ từ thay thế bữa chính bằng thức ăn thô cho tới khi đủ 24 tháng tuổi thì có thể thay thế hoàn toàn sữa.
– Cần cho bé làm quen với bữa ăn chuẩn mực:ngồi thẳng, ăn từ thìa, nghỉ giữa các lần đút và ngừng khi no. Như vậy sẽ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ.
– Khi mới bắt đầu nên cho trẻ làm quen với từng loại thức ăn riêng biệt rồi sau đó mới ăn hỗn hợp.
– Không nên ép trẻ ăn nếu trẻ không muốn ăn loại thức ăn nào đó và phải kiên trì thử lại ở những lần sau để trẻ không kén ăn.
– Không nên cho trẻ ăn thức ăn thừa vì dễ bị ôi thiu.
– Không nên nấu thức ăn quá kĩ vì như vậy sẽ làm mất chất dinh dưỡng.
– Hạn chế nêm các loại gia vị (đường, mắm, muối, bột ngọt…) trong khi chế biến thức ăn cho trẻ vì thận của trẻ còn yếu và điều này cũng không tốt cho sức khỏe của bé.

Người viết: Nguyễn Ngọc Thiên Hương
Tài liệu tham khảo:
7 Signs It’s Time To Wean Your Baby from Breast or Bottle Feeding, medicinenet.com,3/13/2017,https://www.medicinenet.com/7_signs_its_time_to_wean_your_baby_from_breastfee/article.htm
Weaning for the breast, ncbi.nlm.nih.gov, 4/2004, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2720507/
Introducing solid foods, unicef.org.uk, 7/2015, https://www.unicef.org.uk/babyfriendly/wp-content/uploads/sites/2/2008/02/Start4Life-Introducing-Solid-Foods-2015.pdf
Tránh gây áp lực khi tập cho trẻ ăn dặm, benhviennhitrunguong.org.vn, 06/07/2017, http://benhviennhitrunguong.org.vn/10446.html
Introducing solids, babycenter.com, 9/2017, https://www.babycenter.com/0_introducing-solids_113.bc