top of page
Search

CHĂM SÓC TRẺ SINH NON



Trẻ sinh non là gì? [1]


Trẻ được gọi là sinh non nếu được sinh ra trước tuần 37 của thai kì. Thông thường thai kì kéo dài khoảng 40 tuần. Đây là vấn nạn toàn cầu, xảy ra ở các nước có thu nhập cao, thấp và trung bình. Mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non, nghĩa là có hơn 1 trẻ sinh non trên mỗi 10 trẻ được sinh ra toàn thế giới. 60% trong số đó xảy ra ở các nước vùng châu Phi hạ Sahara và Nam Á.


Khoảng 1 triệu trẻ sinh non chết mỗi năm. Những em bé sống sót có thể đối mặt với những vấn để về sức khỏe, thần kinh hoặc khó khăn trong việc học hành suốt đời.


Ước tính có khoảng ba phần tư số trẻ sinh non có thể sống sót nếu được chăm sóc đúng theo chuẩn và thông thường ít tốn kém như giữ ấm, bú mẹ và các chăm sóc cơ bản khi bị nhiễm trùng và khó khăn khi thở.


Mặc dù vấn đề sinh non cũng xảy ra ở các nước có thu nhập cao, nhưng việc tiếp cân được những can thiệp y tế đã được chứng minh giúp 9 trên 10 trẻ sinh non sống sót được so với tỉ lệ khoảng 1 trên 10 ở các nước có thu nhập thấp.


Những vấn đề sức khỏe ở trẻ sinh non [2]


Trẻ sinh càng non thì cơ thể trẻ càng ít được chuẩn bị cho thế giới bên ngoài bụng mẹ. Trẻ cần được chăm sóc đặc biệt để vượt qua được những khó khăn sau đây:

  • Giữ ấm: trẻ sinh non dễ bị mất thân nhiệt hơn, làm tăng nguy cơ bị hạ thân nhiệt gây nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ cần được chăm sóc và cung cấp nhiều năng lượng hơn để giữ ấm và phát triển.

  • : trẻ sinh non có thể gặp khó khăn trong việc bú vì sự kết hợp phản xạ bú và nuốt chưa được hoàn thiện. Trẻ có thể cần được hỗ trợ thêm.

  • Thở: Nhiều trẻ sinh non bắt đầu tự thở được khi được sinh ra, nhưng một số trẻ cần được làm hồi tỉnh lại. Nếu phổi chưa được phát triển hoàn toàn và thiếu hụt surfactant (một hợp chất giúp giữ phổi nở ra), những bé sinh non có thể gặp khó khăn khi thở. Thỉnh thoảng, trẻ sinh non tự thở được lúc đầu không đủ mạnh để tiếp tục tự thở. Trẻ bị kiệt sức và có thể bị ngưng thở.

  • Nhiễm trùng: tình trạng nhiễm trùng nặng phổ biến hơn ở những đứa trẻ sinh non. Hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển toàn diện và có nguy cơ cao tử vong nếu bị nhiễm trùng.

  • Não: trẻ sinh non có nguy cơ bị chảy máu não trong quá trình sinh nở và một vài ngày đầu sau sinh; khoảng 1 trên 5 trẻ có cân nặng dưới 2kg gặp phải vấn đề này. Những đứa bé sinh non cũng có thể bị tổn thương não khi thiếu oxy. Chảy máu hoặc thiếu oxy lên não có thể gây hậu quả là bại não, chậm phát triển và khó khăn học hành.

  • Mắt: mắt của trẻ sinh non chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho thế giới bên ngoài. Chúng có thể bị tổn thương bởi sự phát triển bất thường của các mạch máu trong võng mạc. Tình trạng sẽ càng nặng nếu trẻ sinh càng non và nếu được cho quá nhiều oxy. Điều này có thể dẫn tới suy giảm thị lực hoặc mù lòa.

Trẻ sinh non có nguy cơ gặp các khó khăn về phát triển gây ảnh hưởng suốt cuộc đời trẻ. Mức độ ảnh hưởng lên cuộc đời phụ thuộc mạnh mẽ vào mức độ sinh non, chất lượng chăm sóc trẻ trong khoảng thời gian sinh nở và những ngày/tuần sau đó.


Trẻ sinh non cần được chăm sóc như thế nào? [3]


Trẻ sinh non cần được chăm sóc như trẻ thường và hơn thế nữa, bao gồm:

  • Được bảo vệ khỏi nhiễm trùng: mọi người đụng vào mẹ và bé cần phải rửa tay sạch. Thăm khám y khoa và các thủ thuật chỉ nên thực hiện nếu cần thiết. Găng tay khử trùng và các thiết bị cắt đã được khử trùng cần được sử dụng để nẹp và cắt dây rốn.

  • Tất cả em bé cần được giữ ấm: ngay sau khi sinh, em bé cần được lau khô kĩ và đặt lên bụng mẹ. Nếu trẻ thở bình thường và dây rốn đã được kẹp và cắt thì trẻ cần được đặt lên ngực mẹ, da tiếp da cho đến khi bú mẹ lần đầu tiên. Không nên tắm trẻ ngay lập tức.

  • Hầu hết các bé sẽ thở bình thường sau khi được lau khô kĩ. Những trẻ không bắt đầu tự thở được thì cần trợ giúp: thông khí thở với túi và mặt nạ thông thường sẽ giúp trẻ bình thường lại.

  • Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sinh non lẫn đầy đủ tháng. Em bé cần được bú mẹ sớm nhất có thể sau khi được sinh ra. Hầu hết trẻ sinh non không thể phối hợp phản xạ nút và nuốt có thể được cho bú sữa mẹ vắt ra bằng ly, muỗng hoặc ống thông mũi họng.

  • Trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng nhưng nhẹ cần cần giữ ấm và hỗ trợ bú nhiều hơn. Phương pháp Kangaroo là cách tốt để thực hiện điều này.

  • Chăm sóc trẻ sinh non có biến chứng:

- Trẻ bị nhiễm trùng cần được điều trị với kháng sinh.

- Trẻ không thở được khi sinh ra cần được thực hiện phương pháp hồi sức sơ sinh cơ bản; nếu tiếp tục khó thở thì có thể cần hỗ trợ thêm từ máy thở và tăng cường oxy.

- Trẻ có thêm những biến chứng phức tạp có thể cần phải được chăm sóc ở phòng chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt nếu có.


Phương pháp Kangaroo là gì? [3]


Phương pháp Kangaroo là kĩ thuật đặt trẻ lên ngực một người lớn, thông thường là người mẹ với da tiếp xúc da, trong một khoảng thời gian dài. Phương pháp này phù hợp với trẻ sinh non và trẻ đủ tháng nhưng nhẹ hơn 2kg mà không có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng (thở tốt, nhịp tim bình thường). Em bé được đặt lên ngực mẹ và ở nguyên vị trí đó, cả ngày lẫn đêm, được giữ lại bằng tấm vải quấn quanh và cột sau lưng người mẹ. Phương pháp Kangaroo có thể cứu được khoảng 450.000 em bé sinh non mỗi năm.


Phương pháp Kangaroo là cách hiệu quả đáp ứng nhu cầu sưởi ấm và bú mẹ thường xuyên của trẻ sinh non, bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng, giúp kích thích và giữ an toàn cho trẻ. Nó cũng được cho thấy là tăng sự kết nối tình cảm giữa mẹ và bé.


***Cách thực hiện [4]



Em bé được đặt giữa 2 bầu ngực mẹ ở vị trí đứng, ngực áp ngực như trong hình. Sau đó được cột lại bằng khăn, đầu nghiêng qua một bên và hơi chồm về trước. Phần trên của khăn quấn chỉ hơi nằm phía dưới tai trẻ. Cột khăn đủ chặt để khi mẹ đứng dậy em bé không bị tuột ra ngoài.



Người mẹ ngủ với em bé khi thực hiện phương pháp kangaroo tốt nhất ở tư thế dốc thoai thoải, nghiêng khoảng 15 độ, bằng giường có thể điều chỉnh độ nghiêng hoặc bằng cách đặt nhiều gối lên giường bình thường. Cách này được quan sát cho thấy có thể giảm nguy cơ ngưng thở ở trẻ sơ sinh.





Cha mẹ có thể làm gì khi trẻ sinh non [5]


Trẻ sinh non nhiều khả năng sẽ được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU). Cha mẹ có thể cảm thấy mình không giúp gì được, nhưng thực ra có nhiều bước bạn có thể thực hiện để giúp con mình, chẳng hạn:

  • Tìm hiểu về tình trạng bệnh của con mình. Không biết chuyện gì đang xảy ra có thể rất đáng sợ cũng như các loại thiết bị máy móc theo dõi, trợ thở và các công cụ khác trong phòng NICU. Viết xuống những câu hỏi và hỏi khi sẵn sàng. Biết càng nhiều thì sẽ càng dễ dàng xử lý tình huống.

  • Chia sẻ nỗi lo và những điều quan sát được. Nếu nhận thấy bất kì thay đổi nào về tình trạng trẻ sinh non thì nói với đội ngũ bác sĩ chăm sóc ngay lập tức.

  • Thiết lập nguồn sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa nhiều protein giúp chống lại nhiễm trùng và tăng cường sự phát triển của trẻ. Mặc dù bé sinh non ban đầu có thể chưa bú trực tiếp từ mẹ hoặc bú bình được, nhưng sữa mẹ có thể được đút cho bé bằng những cách khác hoặc trữ đông lại để sau này dùng. Bắt đầu bơm sữa sớm ngay từ sau khi sinh nếu có thể. Đặt mục tiêu bơm ít nhất 6-8 lần mỗi ngày theo đúng giờ. Ngoài ra, hỏi bác sĩ về nhu cầu bổ sung của trẻ qua dạng chất bổ sung sữa mẹ, vitamin bổ sung hoặc sữa công thức cho trẻ sinh non.

  • Ở bên cạnh bé. Nói chuyện và đọc sách cho bé có thể giúp gắn kết tình cảm. Khi con bạn sẵn sàng, có thể ôm ấp bé trong người. Ôm bé dưới áo để thực hiện da tiếp da. Học cách cho bú, thay tã và xoa dịu bé. Nếu lo lắng về việc làm ảnh hưởng lên dây truyền dịch hoặc các loại dây máy móc theo dõi thì có thể hỏi nhờ sự trợ giúp.

Chăm sóc bản thân [5]


Bạn cũng cần phải chăm sóc tốt bản thân để có thể chăm sóc tốt nhất cho bé sinh non.

  • Dành thời gian để hồi phục sau sinh. Ăn uống đầy đủ chất và nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Nếu bác sĩ cho phép thì có thể vận động thể dục.

  • Chấp nhận cảm xúc của mình. Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc, đau buồn, giận dữ và thất vọng. Có thể vui mừng thành công hôm nay nhưng hôm sau lại trải qua thất bại. Hãy trân trọng mỗi ngày. Nhớ là bố và mẹ có thể có những phản ứng khác nhau, cần phải nương tựa vào nhau trong thời điểm căng thẳng này.

  • Nghỉ ngơi. Nếu ra viện trước khi em bé được ra thì hãy dùng thời gian ở nhà để chuẩn bị đón bé. Con của bạn cần bạn nhưng điều quan trọng là cân đối thời gian giữa bệnh viện và thời gian cho bản thân cũng như cho những thành viên còn lại trong gia đình.

  • Thành thật với anh chị em của trẻ. Nếu bạn có những đứa con khác thì có thể giải thích cho mấy bé hiểu rằng em bé bị bệnh và bạn đang lo lắng. Nói với các bé rằng bệnh tật của em bé không phải là lỗi của các bé lớn. Nếu các em không được vào thăm em bé ở NICU thì có thể cho chúng xem hình.

  • Chấp nhận sự giúp đỡ. Hãy để bạn bè và người thân giúp chăm sóc cho các con lớn, dọn dẹp nhà cửa hay giúp đỡ các việc vặt khác.

  • Tìm kiếm sự trợ giúp. Hãy ở bên cạnh bạn bè và người thân. Nói chuyện với những cặp cha mẹ có cùng cảnh ngộ có con ở NICU. Tham gia các nhóm hỗ trợ cho cha mẹ của trẻ sinh non ở địa phương hoặc các cộng đồng trên mạng. Nếu cảm thấy bị trầm cảm hoặc khó khăn trong việc xoay sở với những trách nhiệm mới thì cần tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia.

Đưa bé về nhà [5]


Khi bé được cho phép về nhà, bạn có thể cảm thấy được giải tỏa, phấn khích và cũng lo lắng. Bạn có thể cảm thấy bất an khi không có sự trợ giúp y tế ngay bên cạnh. Nhớ là nếu bạn ở bên cạnh bé càng nhiều thì càng hiểu rõ cách đáp ứng các nhu cầu của bé và tình cảm giữa bạn và bé sẽ phát triển hơn.


Để việc đưa bé về nhà dễ dàng hơn thì cần hiểu các nhu cầu của trẻ. Cần đảm bảo là bạn biết cách cho thuốc, dùng các thiết bị theo dõi tại nhà hoặc cách tăng cường oxy cũng như các trị liệu khác. Đặt hẹn tái khám và biết cần phải gọi cho ai nếu có bất kì lo lắng nào. Ngoài ra, em bé sinh non có nguy cơ bị chậm phát triển hoặc bị khuyết tật. Để đo sự phát triển của trẻ sinh non thì dùng tuần tuổi thực của bé nghĩa là tuổi của bé trừ đi số tuần sinh bị non. Chẳng hạn như nếu bé sinh non 8 tuần thì khi 6 tháng tuổi, tuổi thực của bé chỉ là 4 tháng.


 

Tài liệu tham khảo

What is preterm baby?, WHO, Nov. 2019, https://www.who.int/features/qa/preterm_babies/en/

What health challenges do preterm babies face?, WHO, Nov. 2013, https://www.who.int/features/qa/preterm_health_challenges/en/

What kind of care do preterm babies need?, WHO, Nov. 2013, https://www.who.int/features/qa/preterm_baby_care/en/

Kangaroo mother care – A practical guide, WHO, 2003, page 21-24, https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/42587/9241590351.pdf?sequence=1

Premature baby? Understand your preemie’s special needs, Mayo clinic, Aug. 26 2017, https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/premature-baby/art-20046286

* Tất cả link được truy cập lần cuối vào ngày 27/01/2020

Biên soạn: DS. Lê Võ Hoàng Yến

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM

Infographic: Nguyễn Phương Uyên



543 views0 comments
bottom of page