Vì chụp nhũ ảnh không phát hiện được tất cả các loại ung thư vú nên việc nhận thức được bất kì thay đổi nào trên vú và các dấu hiệu ung thư vú là rất quan trọng.
Hướng dẫn sàng lọc ung thư vú [2][3]
Thăm khám sàng lọc thường xuyên là cách hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư trước khi có bất kỳ triệu chứng nào. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ mới đây đã đưa ra lịch sàng lọc cho những phụ nữ có nguy cơ trung bình – không có tiền sử bản thân hay gia đình bị ung thư vú, chưa chụp xa ngực trước 30 tuổi hay không có gen đột biến có khả năng cao gây ung thư. Hầu hết phụ nữ đều có nguy cơ trung bình. Hướng dẫn bao gồm:
Phụ nữ 40-44 tuổi: bắt đầu chụp nhũ ảnh hằng năm nếu muốn
45-54 tuổi: nên chụp nhũ ảnh hằng năm
55 tuổi trở lên: có thể chụp nhũ ảnh cách năm hoặc tiếp tục chụp hằng năm nếu muốn. Kiểm tra sàng lọc nên được tiếp tục lâu dài miễn còn sức khỏe tốt và có thể tiếp tục sống trên 10 năm.
Việc tự kiểm tra vú hay kiểm tra bởi bác sĩ không còn nằm trong hướng dẫn sàng lọc ung thư vú của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ vì các nghiên cứu chỉ ra rằng việc này không đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên họ vẫn nói rằng tất cả phụ nữ nên quen với hình dạng và cảm nhận của vú và báo cáo với bác sĩ ngay khi phát hiện bất thường.
Đối với nhóm phụ nữ có nguy cơ cao nên được chụp nhũ ảnh và MRI hằng năm, thông thường bắt đầu từ 30 tuổi.
Cách tự kiểm tra vú [6][5]
Đối với việc tự kiểm tra vú, chưa có bằng chứng về tính hiệu quả của việc này trong sàng lọc ung thư vú. Tuy nhiên việc tự khám vú cho thấy giúp đề cao trách nhiệm của phụ nữ đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe bản thân, vì vậy được khuyến cáo để giúp nâng cao nhân thức hơn là một phương pháp sàng lọc.
Thời gian tốt nhất để tự kiểm tra vú là từ 3-5 ngày sau khi bắt đầu kinh nguyệt. Thực hiện vào cùng một thời điểm mỗi tháng. Vú không quá mềm hay quá lợn cợn vào thời điểm này của chu kỳ.
Nếu đã bắt đầu thời kì mãn kinh, tiến hành tự kiểm tra vảo cùng một ngày mỗi tháng.
Bắt đầu bằng việc nằm thẳng trên lưng, giúp dễ dàng kiểm tra tất cả các mô vú.
Đặt tay phải sau đầu. Dùng các ngón giữa của tay trái ấn nhẹ nhàng nhưng chắc chắn từ từ theo một trong các đường như hình hướng dẫn để đảm bảo kiểm tra hết tất cả các mô vú.

Tiếp theo, ngồi hoặc đứng. Kiểm tra cảm nhận vùng nách vì mô vú kéo tới đó.
Bóp nhẹ đầu vú, kiểm tra có dịch chảy ra không.
Lặp lại cả quá trình cho vú bên trái.

Tiếp theo, đứng trước gương, hai tay để hai bên.
Quan sát ngực trực tiếp và qua gương. Kiểm tra xem có bất kỳ sự thay đổi nào ở bề mặt da như sần sùi, nhăn nhúm, tụt vào trong hay da sần giống vỏ cam.
Để ý hình dạng và viền ngoài của ngực
Kiểm tra xem núm vú có bị tụt vào trong không.
Lặp lại tương tự với hai tay giơ lên trên đầu

Mục đích của việc tự kiểm tra ngực là giúp bạn quen với hình dạng và cảm giác của ngực mình. Nếu phát hiện những triệu chứng mới hay bất thường thì phải gọi ngay cho bác sĩ.
DS. Lê Võ Hoàng Yến
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Hình ảnh: Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo
2.American Cancer Society Recommendations for the Early Detection of Breast Cancer, American cancer society, 9 Oct 2017
3.American Cancer society releases new breast cancer guideline, American cancer society, 20 Oct 2015
5.Breast cancer: prevention and control, World Health Organization, http://www.who.int/cancer/detection/breastcancer/en/
6.Breast self exam, Medline plus, 9 Sep 2017 https://medlineplus.gov/ency/article/001993.htm