
Không lạm dụng một số loại thuốc nhất định
NSAIDs là thuốc chống viêm không steroid, đại diện là ibuprofen và naproxen. Nếu sử dụng NSAIDs quá nhiều cùng lúc hoặc sử dụng thường xuyên sẽ làm tổn thương và gây độc cho thận. Bên cạnh đó, dùng thuốc ức chế bơm proton (PPIs) để điều trị loét hoặc trào ngược dạ dày thực quản trong một thời gian dài có thể làm tăng khả năng mắc bệnh thận mạn tính. Những thuốc này chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Thận trọng với kháng sinh
Những thuốc có khả năng chống lại vi khuẩn có thể gây độc với thận khi sử dụng quá thường xuyên, kể cả khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Một số kháng sinh như penicillin, sulfonamides và cephalosporin là những thuốc có độc tính trên thận cao.
Không nên sử dụng các chất bổ sung có nguồn gốc từ thảo dược
Các thuốc từ thảo dược không yêu cầu có bằng chứng về mức độ an toàn, vì vậy một số thuốc gây độc với thận mà người dùng khó có thể nhận biết. Sử dụng những thuốc này trên bệnh nhân mắc bệnh thận có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn hoặc ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc dùng cùng. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi có ý định sử dụng sản phẩm bổ sung có nguồn gốc từ thảo dược.
Ăn uống khoa học
Thận tiếp nhận và xử lý tất cả đồ ăn và thức uống đưa vào cơ thể, kể cả thực phẩm không tốt cho sức khỏe như có chứa nhiều chất béo, muối và đường. Duy trì chế độ ăn uống không lành mạnh trong một thời gian có thể dẫn đến tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường và các bệnh lý khác ảnh hưởng đến chức năng thận. Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm ít biến đổi.
Kiểm soát lượng muối
Muối ảnh hưởng đến cơ thể theo các cách khác nhau. Đối với một số người, nó làm tăng lượng protein trong nước tiểu. Điều đó có thể gây hại cho thận hoặc làm bệnh thận tồi tệ hơn. Nồng độ muối cao làm tăng khả năng mắc cao huyết áp, một nguyên nhân điển hình của bệnh thận và sỏi thận, khiến bệnh nhân đau và suy giảm chức năng thận nếu không được điều trị.
Uống đủ nước
Nước có vai trò vận chuyển các chất dinh dưỡng quan trọng đến thận và lọc bỏ chất thải qua bàng quang dưới dạng nước tiểu. Nếu không uống đủ nước, hoạt động lọc của thận có thể bị gián đoạn, dẫn đến sỏi thận và nhiễm trùng. Trong trường hợp mất nước nhẹ nếu diễn ra thường xuyên cũng gây hại cho thận. Thông thường, bạn nên uống 4-6 cốc nước mỗi ngày, uống thêm trong trường hợp bị ốm hoặc sốt.
Tập thể dục
Tập luyện thể dục giúp ngăn ngừa đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch liên quan đến các biến chứng thận. Tuy nhiên không nên tăng cường độ tập luyện trong thời gian quá ngắn, tập luyện quá sức có thể làm hại thận. Bạn nên bắt đầu tập luyện chậm, từ 30-60 phút 1 ngày, ít nhất 5 ngày một tuần hoặc trao đổi với bác sĩ về chế độ luyện tập nếu bạn có vấn đề sức khỏe.
Khám sàng lọc
Những người có người thân hoặc chính bản thân mắc các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc tiền sử gia đình bị suy thận thì có nguy cao mắc bệnh thận. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Phát hiện càng sớm, tỉ lệ điều trị thành công càng cao.
Thận trọng với rượu
Trong trường hợp cơ thể khỏe mạnh, 1 hoặc 2 ly rượu dường như không làm ảnh hưởng đến thận. Nhưng khi uống say (nhiều hơn bốn ly trong vòng chưa đầy 2 giờ) có thể gây hại đột ngột, nghiêm trọng và có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài. Rượu thường làm cơ thể mất nước, làm cản trở hoạt động của thận, dẫn đến tăng cân, bệnh gan, huyết áp cao và các tình trạng khác gây thêm gánh nặng cho thận.
Ngưng hút thuốc lá
Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư thận và hủy hoại mạch máu, làm giảm dòng máu đến thận. Bên cạnh đó, hút thuốc có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc điều trị huyết áp cao. Điều này là nghiêm trọng vì huyết áp cao không kiểm soát được là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận.
Kiểm soát các vấn đề sức khỏe
Tiểu đường và tăng huyết áp là hai bệnh lý phổ biến dẫn đến biến chứng về thận. Chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên có thể kiểm soát được bệnh. Với đái tháo đường, theo dõi lượng đường trong máu là quan trọng và nên dùng insulin khi cần. Đối với tăng huyết áp, bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Nguồn : WebMD