
Tránh thai là bất kỳ các phương pháp, thuốc hoặc thiết bị được sử dụng để ngăn ngừa thụ thai. Có rất nhiều cách để ngừa thai đối với phụ nữ, trong đó có một số biện pháp sẽ có hiệu quả cao hơn trong việc ngăn ngừa mang thai. Việc lựa chọn biện pháp nào để ngừa thai sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, mong muốn có thai bây giờ hay sau này và bạn cũng nên câc nhắc khả năng có thể ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục khi lựa chọn phương pháp tránh thai cho mình [1]
Các BPTT phổ biến [1][2][3]
Phụ nữ có nhiều lựa chọn như liệt kê dưới đây, theo thứ tự từ hiệu quả nhất đến kém hiệu quả nhất trong việc ngừa thai:
- Triệt sản nam và nữ: ngừa thai trong suốt cuộc đời còn lại thông qua phẫu thuật hay tiểu phẫu.
- Biện pháp tác dụng lâu dài và có thể đảo ngược (đặt vòng, thuốc cấy): bác sĩ đặt vào một lần, không cần phải nhớ uống thuốc hằng ngày hay hằng tháng. Hiệu quả từ 3-10 năm tùy phương pháp.
- Biện pháp tác dụng ngắn hạn (thuốc tránh thai chỉ có progestin, thuốc kết hợp, thuốc tiêm): thuốc uống hằng ngày. Thuốc tiêm thì mỗi 2 hoặc 3 tháng tùy loại (tại Hoa Kỳ chỉ có loại mỗi 3 tháng). Ngoài ra tại Hoa Kỳ còn có miếng dán tránh thai và vòng âm đạo, tuy nhiên tại Việt Nam hai phương pháp này chưa được khuyến cáo chính thức bởi Bộ Y tế.
- Rào cản (bao cao su nam/nữ): sử dụng mỗi khi có quan hệ tình dục. Tại thị trường Hoa Kỳ còn có mũ chụp cổ tử cung, mút xốp chứa thuốc diệt tinh trùng, thuốc diệt tinh trùng (dạng bọt, gel, kem, màng mỏng, thuốc đặt).
- Các biện pháp tự nhiên (tính ngày kinh, xuất tinh ngoài âm đạo): kém hiệu quả
Ngoài các phương pháp trên còn có hai phương pháp ngừa thai khác bao gồm:
- Cho bú vô kinh: là BPTT tạm thời dựa vào 3 điều kiện: cho bú mẹ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn sau sinh, chưa có kinh trở lại và con dưới 6 tháng tuổi. Hiệu quả không cao. Nếu không đáp ứng một trong 3 điều kiện trên thì phải sử dụng kết hợp một BPTT khác. [3]
- Tránh thai khẩn cấp: sử dụng sau khi quan hệ không được bảo vệ hoặc sử dụng BPTT thất bại, như rách bao cao su, quên uống thuốc, tiêm thuốc muộn... hoặc bị hiếp dâm. BPTT này gồm có: uống thuốc viên tránh thai và đặt dụng cụ tử cung. Thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả càng cao nếu sử dụng càng sớm.
Có điểm cần lưu ý là mặc dù các biện pháp dùng hormon và đặt vòng rất hiệu quả trong việc ngừa thai nhưng lại không có tác dụng bảo vệ khỏi các bệnh tình dục. Sử dụng bao cao su nam đúng và thường xuyên giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lý tình dục như lậu, chlamydia và trùng roi đường sinh dục
Biện pháp tránh thai nào là tốt nhất? [1]
Không có biện pháp nào là tốt nhất cho tất cả các phụ nữ. Biện pháp phù hợp nhất cho bạn và người tình phụ thuộc vào nhiều yếu tố và có thể thay đổi theo thời gian. Trước khi lựa chọn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế về các vấn đề sau:
- Khi nào muốn có thai, trong vòng vài năm hay là không bao giờ
- Tính hiệu quả của mỗi phương pháp
- Tác dụng phụ
- Tần suất quan hệ tình dục
- Số lượng người tình
- Tình trạng sức khỏe
- Sự thoải mái khi sử dụng phương pháp tránh thai (chẳng hạn bạn có nhớ để uống thuốc ngừa thai hằng ngày không? Bạn có phải hỏi người tình dùng bao cao su mỗi khi quan hệ không?)
Dưới đây là bảng so sánh các BPTT dựa trên mức độ hiệu quả, tác dụng phụ và số lần sử dụng, giúp bạn có cái nhìn khái quát hơn để lựa chọn phương pháp phù hợp.
![Bảng so sánh các BPTT phổ biến tại Việt Nam [1][2]](https://static.wixstatic.com/media/541c5f_dc34e4a002ef4e3ca35dbe0fc779df43~mv2_d_1280_1707_s_2.jpg/v1/fill/w_980,h_1307,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/541c5f_dc34e4a002ef4e3ca35dbe0fc779df43~mv2_d_1280_1707_s_2.jpg)
Biên soạn: DS. Lê Võ Hoàng Yến
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo
Birth control methods, The Office on Women’s Health - U.S. Department of Health and Human Services, April 24 2017 https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/birth-control-methods
Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế - Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em, http://mch.moh.gov.vn/bai-viet/ke-hoach-hoa-gia-dinh-c.45.html?page=1
Contraception, CDC, Dec 3 2018, https://www.cdc.gov/reproductivehealth/contraception/index.htm