
Rối loạn tự kỷ là gì?
Rối loạn tự kỷ là nhóm các rối loạn phát triển thần kinh làm ảnh hưởng đến não bộ.[1]
Trẻ tự kỷ học, suy nghĩ và trải nghiệm thế giới khác với những đứa trẻ khác. Chúng có thể phải đối mặt với các mức độ khác nhau về hòa nhập xã hội, giao tiếp và những thách thức trong cách cư xử.[1]
Một số trẻ mắc chứng tự kỷ không cần nhiều sự hỗ trợ, trong khi những trẻ khác sẽ cần hỗ trợ hàng ngày trong suốt cuộc đời [1]

Trẻ có dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở độ tuổi nào?

Các triệu chứng về hành vi của bệnh tự kỷ thường xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của trẻ. Nhiều trẻ có triệu chứng từ 12-18 tháng tuổi hoặc sớm hơn. Mặc dù các chuyên gia về y tế thường thấy những vấn đề trong sự phát triển của trẻ trước 3 tuổi, nhưng hầu hết trẻ tự kỷ không được chẩn đoán cho đến sau độ tuổi này.[2]
Cha mẹ phải làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trẻ tự kỷ?

Theo dõi sự phát triển của trẻ: bệnh tự kỷ liên quan đến nhiều dạng chậm phát triển, vì vậy việc theo dõi chặt chẽ đến việc khi nào hoặc nếu con bạn có đang đạt được các cột mốc quan trọng về mặt xã hội, nhận thức và cảm xúc là cách hiệu quả để phát hiện sớm các bất thường của bệnh tự kỷ. Sự chậm phát triển không nói lên rằng trẻ bị tự kỷ mà chỉ có thể chỉ ra rằng trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tự kỷ.[3]
Hãy hành động ngay khi bạn thấy có điều bất thường: tốc độ phát triển của mỗi đứa trẻ là khác nhau, vì vậy bạn không cần phải hoang mang khi con bạn chậm nói hoặc chậm đi. Khi đề cập đến vấn đề phát triển khỏe mạnh, phạm vi của ‘bình thường’ khá rộng. Nhưng nếu con bạn không đạt được các mốc quan trọng phù hợp theo độ tuổi phát triển của trẻ, hoặc bạn nghi ngờ một vấn đề nào đó của trẻ, thì đừng chờ đợi mà hãy chia sẻ mối bận tâm đó cho bác sĩ của con bạn ngay lập tức.[3]
Đừng chấp nhận cách tiếp cận “ chờ xem”: nhiều phụ huynh được bảo là “ đừng lo lắng” hoặc “ chờ xem chuyện gì xảy ra trước khi hành động”. Nhưng việc chờ đợi là điều tồi tệ nhất mà bạn làm. Bạn có nguy cơ làm lỡ mất khoảng thời gian quý báu trong độ tuổi mà con bạn có cơ hội cải thiện tốt nhất. Hơn nữa, cho dù sự chậm phát triển là do bệnh tự kỷ hay do yếu tố khác thì đối với những đứa trẻ này chúng ta không chắc những vấn đề chúng gặp phải sẽ mất đi một cách dễ dàng khi chúng lớn lên. Khi chậm phát triển ở 1 lĩnh vực nào đó, con bạn cần thêm sự trợ giúp và điều trị theo mục tiêu.[3]
Tin vào bản năng của bạn: tốt nhất là bác sĩ của con bạn lắng nghe mối bận tâm của bạn một cách nghiêm túc và thực hiện đánh giá kỹ lưỡng về chứng tự kỷ hoặc những sự chậm phát triển khác. Nhưng đôi khi, ngay cả các bác sĩ có thiện ý cũng bỏ lỡ các dấu hiệu quan trọng hoặc đánh giá thấp vấn đề. Hãy tin vào trực giác của bạn nếu có điều gì đó mách bảo bạn là không ổn, và hãy kiên trì. Hãy sắp lịch hẹn với bác sĩ lần nữa, xin ý kiến lần thứ hai về vấn đề của con bạn hoặc yêu cầu giới thiệu đến một chuyên gia về phát triển trẻ em.[3]
Những dấu hiệu sớm phát hiện trẻ tự kỷ?
Mặc dù bệnh tự kỷ khó chẩn đoán trước 24 tháng tuổi, nhưng các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng 12-18 tháng tuổi, nếu các dấu hiệu được phát hiện trước 18 tháng tuổi, điều trị tích cực có thể giúp phục hồi não và đẩy lùi các triệu chứng.[3]


Những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi:[3]
Trẻ không giao tiếp bằng mắt, chẳng hạn như không nhìn bạn khi được cho ăn hoặc không mỉm cười khi có người đang cười với chúng.
Trẻ không có phản ứng đáp trả khi nghe thấy tên mình hoặc nghe thấy giọng nói quen thuộc của người trong gia đình.
Trẻ không dõi theo các sự vật bằng mắt hoặc không nhìn theo cử chỉ của bạn khi bạn chỉ vào cái gì đó.
Trẻ không chỉ tay hoặc vẫy tay tạm biệt, hoặc không dùng những cử chỉ khác để giao tiếp.Trẻ không làm ồn để thu hút sự chú ý của bạn.
Trẻ không khởi đầu việc âu yếm hoặc không đáp trả sự âu yếm hoặc không giao tiếp.
Trẻ không bắt chước theo hành động và nét mặt của bạn.
Trẻ không chơi với người khác hoặc không chia sẻ hứng thú và sở thích của mình.
Trẻ không nhận biết hoặc không quan tâm nếu bạn làm cho mình bị thương hoặc biểu hiện sự khó chịu.

BS. Lê Trần Anh Linh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Mai Thị Duyên – Anh ngữ Popodoo Lai Châu
Tài liệu tham khảo:
What to Do If You Think Your 4-Year-Old May Be on the Autism Spectrum, healthline,August 9, 2018, https://www.healthline.com/health/signs-of-autism-in-4-year-old
When do children usually show symptoms of autism?, NIH, 1/31/2017, https://www.nichd.nih.gov/health/topics/autism/conditioninfo/symptoms-appear
Does My Child Have Autism?, helpguide, https://www.helpguide.org/articles/autism-learning-disabilities/does-my-child-have-autism.htm