
Say nắng (sốc nhiệt) là gì?
Say nắng là hiện tượng tăng thân nhiệt hoặc bênh lý do nhiệt, trong đó nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường kèm theo triệu chứng thực thể bao gồm sự thay đổi chức năng hệ thống thần kinh trung ương. Say nắng được định nghĩa là khi nhiệt độ bên trong cơ thể cao hơn 104 độ F (400C). Khác với chuột rút do nhiệt hay kiệt sức do nhiệt là 2 dạng khác của tăng thân nhiệt nhưng bớt nghiêm trọng hơn, say nắng là trường hợp khẩn cấp thường gây tử vong nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời. [1][2]
Say nắng thường do tiếp xúc với nhiệt độ cao trong khoảng thời gian dài, thường đi kèm với mất nước dẫn đến rối loạn hệ thống kiểm soát nhiệt độ của cơ thể. Một số triệu chứng thường gặp khác như nôn,co giật, nhầm lẫn, mất phương hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê. Say nắng thường diễn ra sau sự tiến triển của bệnh liên quan đến nhiệt nhẹ hơn như chuột rút do nhiệt, ngất do nhiệt và kiệt sức do nhiệt nhưng cũng có thể mắc phải khi không hề có dấu hiệu tổn thương nhiệt trước đó. [1]
Cơ thể thường sinh nhiệt do quá trình chuyển hóa, và thải nhiệt qua da hoặc mồ hôi. Tuy nhiên khi nhiệt độ và độ ẩm quá cao hoặc hoạt động gắng sức dưới ánh nắng mặt trời, cơ thể không thể thải nhiệt kịp thời, dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng, đôi khi có thể lên đến 106 độ F (410C) hoặc cao hơn. Mất nước cũng là một nguyên nhân gây ra say nắng. Một người mất nước cơ thể không thể toát mồ hôi đủ nhanh để giảm nhiệt, dẫn đến tăng thân nhiệt.[2]

Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ bị say nắng bao gồm: [2]
- trẻ sơ sinh
- người già ( thường mắc kèm các bệnh về tim mạch, phổi, thận hoặc đang sử dụng thuốc khiến họ dễ mất nước và say nắng)
- vận động viên
- người làm việc gắng sức dưới ánh nắng mặt trời
- trẻ sơ sinh, trẻ em hoặc thú nuôi được để ở trong ô tô.
Trẻ em là 1 đối tượng dễ bị say nắng, thông tin sau đây sẽ giúp bảo vệ đối tượng này khỏi bị mất nước và say nắng.[3]
1. Nguyên nhân khiến trẻ em có nguy cơ mất nước
Nguyên nhân khiến trẻ em mất nước cũng giống như người lớn: như tiếp xúc trong thời gian dài với nhiệt độ cao, trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, độ ẩm cao mà không nghỉ ngơi hay cung cấp nước đầy đủ. Điểm khác biệt là so với ở người lớn thì diện tích bề mặt của cơ thể (BSA=body surface area) ở trẻ em chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều khối lượng cơ thể nên trẻ em có nguy cơ mất nước và mắc phải các bệnh lý liên quan đến nhiệt cao hơn nhiều so với người lớn.
2. Dấu hiệu cảnh bảo mất nước
Dấu hiệu phát hiện sớm của mất nước bao gồm mệt mỏi, uể oải, khát, môi và lưỡi khô, cảm thấy nóng bức. Trẻ chỉ cảm thấy khát khi trọng lượng cơ thể giảm 2% vì ra mồ hôi, nên nếu đợi đến khi khát mới uống nước thì lúc đó cơ thể đã hoàn toàn rơi vào trạng thái mất nước.
3. Làm gì để ngăn ngừa mất nước ở trẻ nhỏ?
Đảm bảo trẻ uống nước mát sớm và thường xuyên. Cho trẻ vui chơi và hoạt động trong môi trường nước. Trong quá trình vui chơi, cho trẻ thường xuyên nghỉ ngơi để bổ sung nước, kể cả khi trẻ không khát. Theo học viện Nhi khoa hoa Kỳ, một đứa trẻ nặng khoảng 40 kg nên uống 5 ounce nước lạnh (150ml) mỗi 20 phút. Trẻ và vị thành niên khoảng 60kg nên uống 9 ounce nước lạnh (266ml) mỗi 20 phút. 1 ounce tương đương 2 ngụm nước của trẻ em.[4]
Giúp cho trẻ làm quen với môi trường luyện tập trước khi kỳ nghỉ hè đến. Theo Hergenroeder: “ nếu bạn gửi trẻ đến trại hè tennis, chúng không nên ngồi 1 chỗ và không làm gì cả vào tháng 5 sau đó ra ngoài chơi tennis 9 tiếng 1 ngày vào tháng 6. Chúng nên chạy bộ, đạp xe ngoài trời hay hoạt động giúp rèn luyện thể lực và khả năng chống chọi với cái nóng.” Trẻ có thân hình càng cân đối càng đổ mồ hôi nhanh sau khi bắt đầu tập luyện. Đây là một điều tốt.
Mất nước là một quá trình tích lũy. Ví dụ nếu vào thứ 2 trẻ mất 1% hoặc 2% lượng nước trong cơ thể và không uống đủ nước đêm đó, thì sau đó sẽ tiếp tục mất thêm 1% hay 2% vào thứ 3, có nghĩa là hết thứ 3 trẻ sẽ mất 3% hay 4% lượng nước trong cơ thể. Vấn đề về sức khoẻ sẽ xuất hiện và tiến triển dần dần trong cơ thể trẻ nhưng không biểu hiện ra trong vài ngày. Phụ huynh nên thường xuyên theo dõi việc cung cấp nước cho trẻ. Có 1 cách để kiểm tra: theo dõi cân nặng của trẻ trước và sau khi tập luyện, nếu cân nặng giảm tức là trẻ không uống đủ nước trong suốt quá trình tập luyện. Một nguyên tắc đơn giản: nếu nước tiểu của con bạn có màu sẫm, thay vì màu trong hoặc vàng nhạt, bé có thể bị mất nước

4. Xử lý khi trẻ bị sốc nhiệt
Điều trước tiên nên làm trong mọi trường hợp trẻ mắc phải bệnh liên quan đến nhiệt là đưa trẻ ra vào chỗ mát và thoải mái thoáng mát. Bắt đầu cho trẻ uống nước mát. Trẻ cũng nên được cởi bỏ bớt quần áo hay thiết bị cồng kềnh. Có thể đắp lên phần da nóng khăn ẩm, mát. Trong trường hợp chuột rút do nhiệt, giãn cơ nhẹ nhàng sẽ giúp xoa dịu cơn đau,
Trẻ với hội chứng kiệt sức do nhiệt được điều trị cùng cách trên nhưng không được phép quay lại sân chơi trong ngày hôm đó. Theo dõi trẻ cẩn thận. Nếu trẻ không hồi phục hay không thể uống nước hãy đưa trẻ đến bác sĩ.
Say nắng là một trường hợp khẩn cấp và yêu cầu can thiệp y tế kịp thời.
5. Có phải 1 vài trẻ em dễ bị mất nước hay mắc các bệnh về nhiệt hơn những đứa trẻ khác?
Những đứa trẻ đã từng mất nước hay mắc các bệnh về nhiệt trước đây có nguy cơ bị mắc lại dễ hơn những trẻ em khác. Một vài yếu tố nguy cơ khác như béo phì, bị bệnh gần đây ( đặc biệt nôn mửa hay tiêu chảy), sử dụng thuốc kháng histamin hoặc thuốc lợi tiểu.
Không quen với thời tiết nóng hay luyện tập quá mức cũng có thể dẫn đến các bệnh lý về nhiệt ở các vận động viên trẻ. Nếu một vận động viên đang nỗ lực tập luyện với mục tiêu được lựa chọn vào đội thể thao hoặc bạn tham gia trại hè tập luyện mà chưa từng tiếp xúc với môi trường độ ẩm, nhiệt độ và lịch trình tập luyện đó có thể khiến bạn rơi vào trạng thái mất nước và nặng hơn dẫn đến các bệnh liên quan đến nhiệt.
Đề phòng say nắng
Khi chỉ số nhiệt tăng cao, giải pháp tốt nhất là ở trong phòng điều hòa. Trong trường hợp phải đi ra ngoài, bạn có thể tránh say nắng bằng việc tuân theo các bước dưới đây: [1]
Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, sáng màu, đội mũ rộng vành
Sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 trở lên
Uống thêm nước. Để hạn chế mất nước, mỗi người nên uống ít nhất 8 cốc nước, nước ép rau xanh và hoa quả mỗi ngày. Khi mắc phải các bệnh lý liên quan đến nhiệt cũng có thể dẫn đến thiếu muối, vì vậy nên bổ sung thêm nước uống thể thao giàu chất điện giải trong suốt quá trình tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao.
Thận trọng khi hoạt động hoặc làm việc ngoài trời. Theo khuyến cáo chung, mỗi người nên uống khoảng 700ml nước 2 giờ trước khi tập luyện và bổ sung thêm 240ml nước uống thể thao ngay trước khi tập luyện. Trong quá trình hoạt động, nạp thêm 240ml nước mỗi 20 phút kể cả khi không thấy khát.
Sắp xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, dời lịch sang khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày như sáng sớm hoặc sau hoàng hôn.
- Theo dõi màu sắc của nước tiểu. Nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu của mất nước. Đảm bảo uống đủ nước để duy trì nước tiểu sáng màu.
- Cân trước và sau hoạt động thể lực. Kiểm soát được lượng nước mất giúp xác định lượng đồ uống cần nạp vào cơ thể.
- Tránh các đồ uống có chứa caffein hoặc cồn, những thức uống này làm tình trạng mất nước và các bệnh lý liên quan đến nhiệt trầm trọng hơn. Không dùng viên muối trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Cách dễ nhất và an toàn nhất để thay thế muối và các chất điện giải trong các đợt nắng nóng là uống nước uống thể thao hoặc nước ép trái cây.
- Trao đổi với bác sĩ trước khi tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể nếu bạn mắc bệnh động kinh hoặc bệnh về tim, thận và gan hay đang trong chế độ hạn chế chất lỏng hoặc có vấn đề với việc lưu giữ chất lỏng trong cơ thể.
- Nếu bạn sống trong căn hộ hay nhà không có quạt và điều hòa, cố gắng dành 2 tiếng mỗi ngày ( thường là thời gian nóng nhất trong ngày) trong phòng máy lạnh bên ngoài. Che cửa sổ bẳng rèm cửa vào thời điểm nóng nhất trong ngày và mở cửa vào ban đêm để tạo sự thông thoáng cho căn nhà.
Biên soạn: DS. Phạm Trần Đan Thi
Đỗ Khánh Linh- SV Dược HN
Tài liệu tham khảo:
1.Heat Stroke: Symptoms and Treatment, WebMD,
https://www.webmd.com/a-to-z-guides/heat-stroke-symptoms-and-treatment#1
2.Heat Stroke Symptoms, Signs, First Aid, and Recovery, medicinenet,
https://www.medicinenet.com/heat_stroke/article.htm#heat_stroke_definition_and_facts
3.Protecting Your Child From Dehydration and Heat Illness, WebMD,
https://www.webmd.com/children/dehydration-heat-illness#1
4. How to Hydrate Your Active Child, WebMD,