Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ hóa. Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị cao huyết áp đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.(5) Vậy bạn đã biết gì về căn bệnh phổ biến này? Liệu bạn đã biết kiểm soát và điều trị tăng huyết áp đúng cách?
1.Tăng huyết áp là gì?

Để có thể hoạt động, các cơ quan trong cơ thể cần được nuôi bởi máu chứa oxy, và nhiệm vụ của hệ tuần hoàn là đưa máu đến các cơ quan này. Khi tim bạn đập, nó tạo áp lực để đẩy máu đi đến hệ thống mạch máu bao gồm động mạch, mao mạch và tĩnh mạch. Áp lực này được gọi là huyết áp, nó được tạo ra bởi hai lực đẩy: lực đẩy thứ nhất (Huyết áp tâm thu) được tạo ra khi tim đập, máu đi từ tim đến các động mạch. Lực đẩy thứ hai được tạo ra trong lúc tim nghỉ hay giữa các nhịp đập của tim (Huyết áp tâm trương). Hai áp lực này có cường độ khác nhau, và được ghi thành hai chỉ số khi bạn thực hiện đo huyết áp.
Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp, xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường. Bạn có thể mắc cao huyết áp trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Một người được xem là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu (chỉ số trước) từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương (chỉ số sau) từ 90mmHg trở lên, hoặc người đang điều trị/có tiền sử tăng huyết áp.(1)
Dựa vào phân loại theo báo cáo lần thứ 7 của Uỷ ban Quốc gia Hoa Kỳ (JNC 7 – Joint National Committee (2)), chúng ta có các giai đoạn của Tăng huyết áp (đối với người từ 18 tuổi trở lên) như sau:
Bình thường: Huyết áp tâm thu nhỏ hơn 120 mmHg, huyết áp tâm trương nhỏ hơn 80 mmHg
Tiền cao huyết áp: Huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg, huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg
Tăng huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu từ 140-159 mmHg, huyết áp tâm trương từ 90-99 mmHg.
Tăng huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu từ 160 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 100 mmHg trở lên.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp có thể là nguyên phát, như ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và di truyền, cũng có thể là thứ phát do nhiều nguyên nhân như bệnh thận, mạch máu, bệnh nội tiết,.. Tăng huyết áp nguyên phát hoặc vô căn chiếm 90-95% trường hợp tăng huyết áp ở người lớn, và tăng huyết áp thứ phát chỉ chiếm từ 2-10% trường hợp.(4)

2. Tại sao điều trị tăng huyết áp là rất cần thiết?

Điều đầu tiên tăng huyết áp có thể gây hại cho cơ thể bạn là tăng công suất làm việc của tim và mạch máu – chúng thực hiện chức năng một cách khó khăn và kém hiệu quả hơn. Sau một thời gian, áp lực và sự ma sát cao gây tổn thương các mô bên trong mạch máu. Sau đó, LDL (chất béo có hại) có trong máu bám vào những vết tổn thương này và tạo thành những mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này có thể làm thuyên tắc mạch máu của bạn, đặc biệt là những mạch máu nuôi các cơ quan quan trọng như não, tim.
Chính vì vậy, tăng huyết áp lâu dài, không được kiểm soát có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể của bạn. Sau đây là một số biến chứng phổ biến(3):
Suy tim: Tăng huyết áp làm tim bạn hoạt động tăng công suất để cung cấp đủ lượng máu cho cơ thể, sau một thời gian tim có thể bị phì đại và mất khả năng bơm máu.
Nhồi máu cơ tim: Tăng huyết áp có thể gây tổn thương các động mạch vành nuôi tim, khi các động mạch này bị thuyên tắc sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Suy thận: Gây tổn thương các mạch máu thận và ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận.
Bóc tách mạch máu, hay sự bất thường về thành mạch khiến chúng dễ bị vỡ gây chảy máu ồ ạt, khả năng dẫn đến tử vong rất cao.
Đột quỵ: Tăng huyết áp có thể gây vỡ hoặc thuyên tắc các mạch máu trong não của bạn.
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp, có thể dẫn đến mù loà.
Đau thắt ngực: đau thắt ngực là một triệu chứng khá phổ biến ở người cao huyết áp do tổn thương mạch máu nuôi tim.
Bệnh mạch máu ngoại biên: Tăng huyết áp làm tổn thương và hẹp các mạch máu ngoại biên như mách máu của cánh tay, cẳng chân, dạ dày và đầu, làm bạn cảm thấy đau và mệt mỏi.
Giảm khả năng tình dục.
Người ta vẫn thường nói tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”. Khi mắc tăng huyết áp, bạn có thể cảm thấy khỏe mạnh nhưng thực ra chúng đang âm thầm hủy hoại cơ thể bạn. Vì vậy việc kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị sớm có thể làm giảm những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp.
3. Làm thế nào để biết tôi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp hay không?

Theo Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association)(3) có rất nhiều nguy cơ có thể gây tăng huyết áp, một số nguy cơ bạn có thể kiểm soát được, một số lại nguy cơ khác bạn lại không thể kiểm soát.
Sau đây là một số nguy cơ bạn có thể kiểm soát được:
Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá
Đái tháo đường
Béo phì
Cholesterol máu cao
Chế độ ăn không lành mạnh (ăn nhiều muối, ít Kali hoặc uống quá nhiều chất có cồn)
Ít vận động
Và những nguy cơ gây tăng huyết áp bạn không thể kiểm soát là:
Tiền sử gia đình mắc tăng huyết áp
Chủng tộc (Tăng huyết áp chiếm tỉ lệ cao ở người da đen, độ tuổi mắc bệnh cũng sớm hơn so với người da trắng)
Người cao tuổi
Giới tính
Bệnh thận mạn tính
Chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngoài ra, tình trạng kinh tế xã hội và những căng thẳng xã hội cũng là những nguy cơ gây tăng huyết áp. Điều đó ảnh hưởng đến những nhu cầu sống cơ bản, y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tính khả thi của việc thay đổi lối sống.
4. Làm sao để tôi biết mình có bị tăng huyết áp hay không?

Cách duy nhất để biết bạn có tăng huyết áp hay không là thực hiện đo huyết áp. Bạn có thể nhờ đến nhân viên y tế hoặc thực hiện đo huyết áp tại nhà. Sau đây là một số nguyên tắc bạn cần chắc chắn thực hiện đúng khi đo huyết áp tại nhà(3):
Không hút thuốc, uống cà phê hoặc hoạt động mạnh trong vòng 30 phút trước khi đo huyết áp. Đi vệ sinh và nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo huyết áp.
Ngồi đúng tư thế: Ngồi thẳng lưng, lưng dựa vào ghế. Bạn nên để bàn chân lên sàn nhà và không bắt chéo hai chân. Để cánh tay lên một mặt phẳng (ví dụ: cái bàn) và cánh tay trên ngang mức tim. Quấn băng quấn phía trên khuỷu tay và đọc kĩ hướng dẫn sử dụng máy đo của nhà sản xuất.
Đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày: vì huyết áp trong của bạn có thể khác nhau ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Bạn nên đo vào cùng một thời điểm trong ngày để nhận ra sự thay đổi huyết áp của mình giữa các ngày.
Đo nhiều lần và ghi lại số ghi được mỗi lần đo.
Không đặt băng quấn ở ngoài quần áo.
5. Cần có chế độ ăn và tập luyện như thế nào để giảm nguy cơ và giảm biến chứng của bệnh tăng huyết áp?

Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc là bước điều trị đầu tiên cần thực hiện khi bạn được chẩn đoán mắc tăng huyết áp. Cao huyết áp có thể kiểm soát được nhờ thay đổi lối sống và chế độ ăn, như tăng cường vận động, giảm rượu bia, thuốc lá, và giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày. Sau đây, sẽ là một số cách để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp của bạn (3) :
Ăn chế độ ăn lành mạnh và ít muối: Bạn nên ăn nhiều những thực phẩm như rau củ quả, ngũ cốc, những sản phẩm ít chất béo,.. Hạn chế ăn muối, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, thịt đỏ và những đồ ăn chứa nhiều đường. Bạn có thể tham khảo lượng muối nên cung cấp cho cơ thể hằng ngày tại đây Ngoài ra, chế độ ăn DASH (Approaches to Stop Hypertension) là chế độ ăn được các chuyên gia thiết kế dành cho người tăng huyết áp, bạn cũng có thể tham khảo tại: https://bit.ly/2ibGRsF
Hạn chế uống đồ uống chứa cồn. Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association (AHA)) đề nghị giới hạn lượng đồ uống có cồn uống một ngày của nam là 2 cốc, và của nữ là 1 cốc.
Lượng chất có cồn cụ thể trong 1 cốc là:
+ 12 ounce ( khoảng 350 ml ) bia.
+ 4 ounce ( khoảng 120 ml ) rượu.
Tập thể dục và vận động thường xuyên.
Kiểm soát cân nặng: Tăng huyết áp có liên quan mật thiết đến việc thừa cân. Bạn nên một chế độ ăn lành mạnh và cân đối, phù hợp với cân nặng, giới tính, mức độ vận động cuả bạn.
Thường xuyên thư giãn, giảm stress.
Ngừng hút thuốc lá: nếu bạn cảm thấy thực sự khó khăn trong việc cai thuốc lá, bạn có thể tham khảo tại đây

6. Sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp như thế nào là đúng cách?
Nếu việc điều trị huyết áp không dùng thuốc chưa giúp được bạn đạt được mức huyết áp mục tiêu, thì bạn cần được điều trị bằng thuốc. Tuỳ theo mức huyết áp mục tiêu, tiền sử bệnh, giới tính, cân nặng,.. của bạn mà từng đơn thuốc được kê một cách phù hợp. Bạn nên gặp bác sĩ và các chuyên gia để được tư vấn một chế độ điều trị hợp lý. Sau đây sẽ là một vài lưu ý cho bạn trong việc sử dụng thuốc tăng huyết áp từ Hội tim mạch Việt Nam (7):


Chú thích:
HA: Huyết áp; UCMC: nhóm thuốc ức chế men chuyển; BMV: bệnh mạch vành; ĐTĐ: Đái tháo đường; NMCT: nhồi máu cơ tim; CKD: bệnh thận mạn; CTTA: thuốc chẹn thụ thể của angiotensin II; UCB: nhóm thuốc ức chẹn thụ thể beta; CKCa: nhóm thuốc ức chế kênh Canxi.
Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn từ việc điều trị bằng thuốc, bạn nên trình bày cho bác sĩ hoặc chuyên gia tiền căn bệnh cũng như thói quen sinh hoạt, sử dụng các thuốc khác hiện tại của bạn. Hãy nắm rõ về thông tin những loại thuốc mà mình đang sử dụng.
7. Kết luận
Tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”, chúng có thể làm hại đến bất cứ ai trong chúng ta. Vậy chúng ta có thể làm gì để chống lại “chúng”? Chưa bao giờ là quá muộn cho việc thay đổi một lối sống lành mạnh. Hãy quan tâm đến sức khỏe của bạn, tầm soát và điều trị tăng huyết áp ngay hôm nay nhé!

Lê Thái Thanh Khuê – Sinh viên Y3 – Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiệu đính: DS. Phạm Trần Đan Thi
Tài liệu tham khảo:
1.The American Heart Association (2017) , Heart Diseases and Stroke Statistics,(Chapter 9, e.280), US.
2. Joint National Committee (2003), Prevention, Detection, Evaluation, and Treatment of High Blood Pressure, US.
<https://www.nhlbi.nih.gov/files/docs/guidelines/express.pdf>
3. The American Heart Asociation (2017), High Blood Pressure.
4. Matthew R Alexander, MD, PhD (2018), Hypertension.
< https://emedicine.medscape.com/article/241381-overview >
5. Bùi Thủy ( 2016), Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ II.
< http://www.yhth.vn/hoinghitanghuyetapvietnamlanthuii_d3378.aspx >
6. Hội Tim Mạch Học Việt Nam ( 2015), Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2015.